Banner XML

Tấm tường Acotec-Xuân Mai tiên phong trong tiệm cần công nghiệp hóa ngành Xây dựng

24/08/2022

1. Thực trạng sản xuất và sử dụng VLXKN tại Việt Nam

Với định hướng tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống, thực hiện xóa bỏ công nghệ sản xuất gạch nung lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đồng thời nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch xây, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung: Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2020 quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung; Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2010; Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý VLXD; Quyết định 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (Chương trình 567).

2-1.jpg

 Dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai.

Trong đó, đặc biệt phải kể đến Chương trình 567 đã định hướng những nội dung cơ bản cho sản xuất và phát triển VLXKN như: quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN đến năm 2020 (chủng loại sản phẩm, công nghệ và quy mô sản xuất, sử dụng sản phẩm VLXKN), các nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình. Chương trình 567 cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Chương trình.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, chính sách về VLXKN đã tương đối hoàn thiện tạo cơ chế thuận lợi cho đầu tư, phát triển các loại hình VLXKN, loại bỏ hoàn toàn công nghệ lò gạch đất sét nung lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội…

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, tỷ trọng VLXKN trên tổng lượng vật liệu xây xét về công suất thiết kế đạt xấp xỉ ngưỡng thấp so với mục tiêu Chương trình 567 đặt ra, sản lượng sản xuất chỉ bằng 45-50% công suất thiết kế. Trong đó, tính đến năm 2019, sản lượng sản xuất gạch bê tông xi măng cốt liệu đạt 4.585 triệu viên QTC, chiếm 94,9% tổng lượng VLXKN; gạch bê tông khí chưng áp AAC đạt 160 triệu viên QTC, chiếm 3,3% tổng lượng VLXKN; gạch bê tông bọt đạt rất thấp vì không tiêu thụ được; tấm thạch cao đạt khoảng 95 triệu m2.

3-1.jpg

Sản phẩm tấm tường Acotec của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai.

Đặc biệt, mặc dù tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép Acotec đạt khoảng 4 triệu m2 tương đương 319 triệu viên QTC nhưng đạt trên 100% công suất thiết kế do đáp ứng nhu cầu xây dựng với tốc độ cao, thời gian thi công nhanh nên công suất của doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai vượt từ 30-40%.

2. Triển vọng phát triển sản xuất và sử dụng tấm tường Acotec

2.1. Giới thiệu tấm tường Acotec

Tấm tường Acotec xi măng cốt liệu là một loại VLXKN dạng tấm lớn, được sản xuất theo công nghệ hiện đại của hãng Elematic (Phần Lan) đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

4-1.jpg

Công nghệ hiện đại của hãng Elematic (Phần Lan) được lắp đặt sử dụng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai.

Tấm tường Acotec được sản xuất theo công nghệ đùn ép từ hỗn hợp bê tông cứng gồm: cát, đá, xi măng, phụ gia với nhiều ưu điểm như: cường độ và khả năng chống thấm cao hơn các loại gạch xây; chiều dày nhỏ, có nhiều lỗ rỗng tạo hình dọc theo chiều dài tấm nên trọng lượng trên 1m2 tấm tường nhẹ giúp giảm tải trọng, tiết kiệm chi phí cho kết cấu chịu lực. Tốc độ thi công nhanh hơn gấp 5 lần so với thi công tường gạch truyền thống và gấp 2 lần so với thi công tường gạch bê tông, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí nhân công.

2.2. Triển vọng phát triển tường Acotec Xuân Mai - Vật liệu thân thiện với môi trường

Tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý VLXD, Chính phủ đưa ra khái niệm cụ thể về VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường bao gồm: VLXKN, VLXD được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại.

Việc mở rộng và làm rõ khái niệm VLXKN, VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường như trong Nghị định số 09/2021/NĐ-CP dường như phù hợp hơn với bối cảnh thị trường VLXD nói chung và VLXKNnói riêng tại Việt Nam hiện nay. Bởi có một thực tế là ở rất nhiều công trình xanh tại Việt Nam thời điểm hiện nay, việc đặt ra tiêu chí thực sự có thể đạt được của VLXKN, đặc biệt là việc dán nhãn xanh cho VLXKN trở nên không khả thi khi mà quy trình sản xuất của hầu hết các sản phẩm VLXKN chưa thực sự được các nhà sản xuất quan tâm đúng mực nhằm đáp ứng tiêu chí của các tổ chức chứng nhận công trình xanh cũng như kỳ vọng của các kiến trúc sư tư vấn thiết kế công trình xanh.

Bản thân sản phẩm VLXKN không có lỗi khi mà đã có nhiều rắc rối cho chủ đầu tư, người mua nhà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều loại công trình với các chủng loại VLXKN, như hiện tượng nứt tường dẫn đến các hệ lụy khác kéo theo như ẩm, mốc, thấm, dột… Mặc dù các chủng loại sản phẩm VLXKN như gạch bê tông, tấm thạch cao, tấm bê tông tiền chế Acotec, gạch bê tông khí chưng áp (AAC)… đều được các kiến trúc sư ghi nhận là các sản phẩm thực sự chất lượng tốt nếu lựa chọn được các nhà cung cấp uy tín và bảo đảm được quá trình thi công đạt chuẩn.

Trong hệ thống đánh giá chứng chỉ công trình xanh của LEED, LOTUS hay GREENMARK, thì VLXD xanh chiếm khoảng 15% tổng số điểm dường như không hoàn toàn là con số quá hấp dẫn cho các kiến trúc sư tư vấn công trình xanh bởi đối với các kiến trúc sư tư vấn công trình xanh, ngoài việc lựa chọn sử dụng vật liệu xanh, các kiến trúc sư tư vấn cũng có hướng đi khác trong thiết kế để được điểm cộng cho công trình như tận dụng nguồn năng lượng từ tự nhiên: chiếu sáng, thông gió tự nhiên…

Một kiến trúc sư tư vấn công trình xanh ở phía Nam đã không tìm được nhà cung cấp trên thị trường Việt Nam bảo đảm được hàm lượng sử dụng vật liệu tái chế trong viên gạch không nung tầm 10-15% và cũng chưa tìm được đơn vị cung cấp nào có được chứng nhận hoặc có một quy trình sản xuất theo chuẩn ISO quốc tế để xác minh có sử dụng sản phẩm tái chế trong sản phẩm VLXKN.

Do đó, trong các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, vật liệu nung vẫn được sử dụng cho các hạng mục như gạch xây tường chịu lực, khu vực nhà vệ sinh, gạch lát sàn, gạch ốp tường cột… Bởi, đối với công trình xanh đạt chứng chỉ cụ thể như trong Chứng chỉ LOTUS, về tiêu chí MR-3 VLXKN có chỉ rõ 2 tiêu chí tính điểm gồm: 80% tường không chịu lực được làm từ VLXKN 1 điểm; 100% tường không chịu lực được làm từ VLXKN 2 điểm.

Công trình xanh là loại hình chứng nhận mang tính chất tự nguyện, và việc đáp ứng các tiêu chí của công trình xanh cũng cần xem xét đến việc phù hợp với thực tiễn. Và rõ ràng, việc sử dụng VLXKN không phải là điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải đạt trong công trình xanh.

Trở lại với tấm tường Acotec Xuân Mai là một trong những loại VLXKN mà thời kỳ đầu cũng đã từng mang đến rắc rối khi sử dụng, đó là thời điểm năm 2017 trở về trước khi Cty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đi tiên phong trong sản xuất và sử dụng tấm tường Acotec vào các công trình do chính Xuân Mai là chủ đầu tư.

Không thể kể hết được những áp lực từ sự khắt khe của khách hàng đối sản phẩm Acotec mới có mặt, hoàn toàn mới mẻ trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chính những áp lực này dường như trở thành động lực để các cán bộ, kỹ sư của Xuân Mai quyết tâm hơn trong việc thuyết phục được khách hàng sử dụng sản phẩm Acotec Xuân Mai. Bằng việc cung cấp và ngày càng hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công giúp khắc phục được những hạn chế của sản phẩm khi mới đưa vào sử dụng. Từ năm 2018 trở lại đây, tấm tường Acotec Xuân Mai đã hoàn toàn thuyết phục được đối tác, khách hàng.

Sau gần 8 năm đi vào sản xuất và sử dụng, tấm tường Acotec Xuân Mai đã chinh phục nhiều dự án lớn ngoài miền Bắc, trong miền Nam. Trong tổng số hơn 2 triệu m2 tấm tường các loại được đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng thì tỷ lệ sử dụng cho công trình của Xuân Mai so với công trình khác ngoài Xuân Mai chênh lệch không đáng kể, cho thấy chất lượng tấm tường Acotec Xuân Mai được chủ đầu tư tin dùng.

5-1.jpg

Sản phẩm tấm tường Acotec Xuân Mai đã thuyết phục được đối tác, khách hàng.

Một kiến trúc sư tư vấn công trình xanh tại miền Bắc cho biết, trước đây khi thay đổi vật liệu nung truyền thống sang VLXKN, đã có rất nhiều mâu thuẫn xảy ra, đặc biệt là với các đơn vị kỹ thuật khi quyết định là dùng hay không dùng VLXKN vì ngoài những ưu điểm đã được chứng minh thì VLXKN cũng gặp nhiều vấn đề hơn nhiều so với vật liệu truyền thống.

Tuy nhiên cuối cùng vị kiến trúc sư này vẫn chọn tấm tường Acotec Xuân Mai vì những ưu điểm của nó và vì sản phẩm tấm tường Acotec Xuân Mai đã thuyết phục được đối tác, khách hàng bằng các giải pháp kỹ thuật của một nhà sản xuất luôn đồng hành, sát cánh cùng chủ đầu tư, khách hàng.

Nói cách khác, Cty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đã cơ bản giải quyết được các nhược điểm vốn thường gặp ở các loại VLXKN. Và một điều quan trọng hơn nữa là doanh nghiệp này luôn chú trọng nghiên cứu cải tiến sản phẩm, công nghệ và các vấn đề liên quan để có được giải pháp đồng bộ, hoàn thiện hơn.

Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển của công ty với 2 dòng sản phẩm cốt lõi là công nghệ bê tông dự ứng lực bán tiền chế (lắp ghép, bán lắp ghép) xây dựng kết cấu của các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình công cộng; và công nghệ tấm tường Acotec Xuân Mai.

Có thể nói, trong suốt mấy thập kỷ qua, bằng việc luôn chú trọng và không ngừng nghiên cứu cải tiến 2 dòng sản phẩm công nghệ bê tông dự ứng lực bán tiền chế và tấm tường Acotec Xuân Mai, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đã tiến từng bước vừng chắc góp phần vào sự công nghiệp hóa ngành Xây dựng.

6-1.jpg

Sản phẩm tấm tường Acotec Xuân Mai đáp ứng tốt được điều kiện thi công nhanh.

Các sản phẩm của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đáp ứng tốt được điều kiện thi công nhanh mà vẫn bảo đảm được tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm nhân lực trong quá trình thi công tại hiện trường, bảo đảm không phát thải rác thải, bụi xây dựng tại công trường, bảo đảm an toàn thi công, chất lượng công trình; trong bối cảnh nhân lực cho thị trường xây dựng đang ngày càng thu hẹp, các địa phương, khu đô thị đang chịu nhiều áp lực trước biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đặc biệt là việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

3. Sản xuất tấm tường Acotec tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai

Tại Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai (XMC) là đơn vị đầu tiên đầy tư Nhà máy tấm tường Acotec Xuân Mai sản xuất tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép trên diện tích xây dựng khoảng 1,2ha tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) và chính thức đi vào sản xuất từ cuối năm 2015 với 4 dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec công suất 200.000 m2 tấm tường/năm/dây chuyền, với sản lượng nhà máy đã đạt khoảng 1.000.000 m2 tấm tường/năm.

7-1.jpg

Tấm tường Acotec Xuân Mai không cần trát, chỉ cần bả và sơn trực tiếp.

 Tấm tường Acotec không cần trát, chỉ cần bả và sơn trực tiếp do tấm tường được sản xuất công nghiệp trong nhà máy nên có độ phẳng cao, đáp ứng tiêu chuẩn. Vì vậy tiết kiệm chi phí vật liệu và nhân công thi công dự án.

Mặc dù là tường bê tông nhưng do có lỗ rỗng nên trọng lượng riêng của tường Acotec Xuân Mai thấp hơn trọng lượng riêng trung bình của khối xây tường gạch rỗng. Trọng lượng của tấm tường Acotec Xuân Mai loại dày 75mm là 120 kg/m2, tấm tường 100mm là 140 kg/m2, và với tấm tường dày 140mm là 180kg/m2, nhẹ hơn đáng kể (nhẹ hơn khoảng 33%) so với các loại tường xây bằng gạch truyền thống (196-252 kg/m2). Vì vậy, giảm chi phí cho các cấu kiện chịu lực của công trình: cọc, móng, cột, vách, dầm, sàn.

Thi công hệ thống cơ điện dễ dàng. Với hệ thống lỗ có sẵn dọc theo tấm tường, công tác thi công cơ điện có thể tiết kiệm hơn 50% nhân công cho công tác thi công cắt, đục; tiến độ công tác thi công cơ điện nhanh do không còn các công tác dừng chờ kỹ thuật. Vì vậy, giảm chi phí nhân công thi công M&E, hạn chế nứt tường do công tác cắt đục M&E. Đồng thời giảm tiến độ của công tác cắt đục M&E, bàn giao mặt bằng cho công tác sơn bả.

 8-1.jpg

Thi công hệ thống cơ điện dễ dàng.

Tiết kiệm vật liệu chính do tấm tường được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp trong nhà máy theo modul chiều cao tường nên hao hụt tấm tường tại công trường rất ít. Vì vậy, giảm thiểu được lượng rác thải công trường, đồng thời có thể tái chế sử dụng vào mục đích khác như sử dụng làm vữa cán nền...

Sử dụng tấm tường Acotec Xuân Mai sẽ làm tăng diện tích căn hộ, diện tích thương mại do bề rộng tấm tường nhỏ hơn các loại tường gạch thông thường. Với việc thay thế tường 100 cho tường xây 110 hoặc tường xây 150 (đã bao gồm lớp trát) thì diện tích bán hàng có thể tăng tới từ 1,0-2,4% (theo thực tế sử dụng của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai).

Ngoài ra, khi thi công tấm tường Acotec Xuân Mai cũng giảm thiểu việc sử dụng vật liệu rời và việc cắt đục khi thi công cơ điện. Do đó, công trường luôn sạch sẽ, gọn gàng, góp phần đảm bảo môi trường và an toàn lao động.

4. Kết luận:

Trên thị trường đã có rất nhiều dây chuyền, công nghệ, sản phẩm VLXKN phù hợp với từng phân khúc thị trường công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp... Tuy nhiên, tiệm cận gần nhất với xu hướng công nghiệp hóa ngành Xây dựng cũng như những yêu cầu bức thiết đặt ra của chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong bối cảnh thị trường xây dựng chịu nhiều áp lực về thiếu nhân công, tiết giảm tối đa chi phí đầu tư xây dựng, là phải đáp ứng được thời gian thi công nhanh mà vẫn bảo đảm được chất lượng, thẩm mỹ của công trình, thì chỉ có tấm tường Acotec Xuân Mai thỏa mãn được đồng thời các yêu cầu này.

Khi ngành Xây dựng có những doanh nghiệp sản xuất được những tấm tường lớn, những cấu kiện lắp ghép tính năng cao trên dây chuyền công nghiệp tự động nén cao như Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang tiệm cận gần hơn với sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ tài liệu của Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam dùng cho các trường đại học và cao đẳng;

 2. Báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng về 10 năm thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển vật iệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567);

3. Ý kiến của một số chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng (VIBM);

4. Ý kiến của một số kiến trúc sư tư vấn công trình xanh tại Hà Nội, TP.HCM.

Nguồn:
https://tapchixaydung.vn/
https://xmc.com.vn/

Chủ đề liên quan



Thông tin dự án

Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia

Huyện Thạch Thất - Thành phố Hà Nội

Tòa C2 và Công viên trung tâm (TTT)

Đường Nguyễn Văn Linh-Quận 7

Tòa HR3 dự án Tân Thuận Tây

Đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7


top